Những Giọng Nói Ồn Ào Nhất Thường Là Những Người Bất An Nhất

Bạn đã bao giờ gặp kiểu người trông như thể họ đã “giác ngộ” chưa? Không chỉ trong cuộc sống mà còn trong cách họ thể hiện bản thân trước thế giới. Họ nói năng như thể đã giải mã cuộc đời, đã chắt lọc tất cả thành một bộ nguyên tắc bất bại, khiến họ trở nên bất khả xâm phạm. Họ toát ra một phong thái – điềm tĩnh, tự tin, chiến lược đến mức hoàn hảo. Họ khiến bạn có cảm giác rằng họ biết một điều gì đó mà bạn chưa kịp nhận ra.

Chào mừng bạn đến với thế giới của những “chuyên gia” trên mạng – những KOL, những người tự xưng là bậc thầy trong lĩnh vực của họ. Những người dạy bạn cách suy nghĩ, cách yêu, cách làm giàu, cách “trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.” Và dù một số người trong đó thực sự có ý định giúp đỡ, thì phần lớn – dù họ có nhận ra hay không – đều đang lạc lối chính trong câu chuyện họ tự vẽ ra.

Đây không phải là một bài bóc phốt về influencer. Đây là bài về một trò chơi tâm lý sâu sắc hơn, một trò chơi mà rất nhiều người trẻ đang vô thức bị cuốn vào. Bởi vì khi bạn gạt bỏ đi vẻ ngoài tự tin, những persona được dày công xây dựng, những triết lý nghe có vẻ sâu sắc, thì đằng sau đó, rất nhiều người trong số họ cũng đang hoang mang hơn bạn tưởng nhiều. Không tin? Cố gắng nhìn kỹ, khi họ càng cố tỏ ra chắc chắn, họ càng để lộ sự bất an của chính mình.

Điều đầu tiên bạn nhận thấy ở những “bậc thầy” này là sự tính toán trong từng lời nói, từng hình ảnh, từng dòng trạng thái. Họ không chỉ phát ngôn – họ xây dựng câu chuyện. Họ không chỉ chia sẻ – họ định vị bản thân. Tất cả mọi thứ đều có chủ đích.

Điều này không hẳn là xấu. Chiến lược không phải là vấn đề. Nhưng khi ai đó liên tục “tối ưu hóa” bản thân để trở nên hoàn hảo trước công chúng, bạn phải tự hỏi – họ đang che giấu điều gì hay họ đang thực sự muốn gì? Vì một sự thật đơn giản là: người thực sự tự tin không quá ám ảnh về cách họ được nhìn nhận. Những ai luôn cố gắng kiểm soát hình ảnh của mình mới chính là người sợ bị nhìn thấu.

Và hậu quả của điều này? Nó lan truyền. Khi bạn thấy những nhân vật này vận hành quá trơn tru, bạn sẽ bắt đầu tin rằng cuộc sống nên như vậy. Rằng mỗi cuộc nói chuyện đều phải là một bước đi chiến thuật, mỗi mối quan hệ đều phải là một sự trao đổi giá trị, mỗi khoảnh khắc đều phải được tính toán để đạt hiệu suất cao nhất.

Bạn thấy điều đó trong những influencer dạy cách hẹn hò – biến tình yêu thành một cuộc chơi cân đo lợi ích. Bạn thấy điều đó trong những “triết gia” hustle culture – thuyết phục bạn rằng ngủ đủ giấc là dấu hiệu của kẻ thất bại. Bạn thấy điều đó trong những KOL về lối sống – bán cho bạn một hình ảnh hoàn hảo nhưng trống rỗng. Bạn cũng thấy điều đó trong cả những “chuyên gia” personal branding – những người dạy bạn cách biến chính mình thành một thương hiệu, như thể giá trị con người có thể được đóng gói, tiếp thị và tối ưu hóa để phù hợp với thị trường. Nhưng họ không nói cho bạn biết cái giá của sự “tối ưu hóa” này: Càng cố kiểm soát cách người khác nhìn mình, bạn càng đánh mất chính mình.

Cốt lõi của tất cả những điều này là một nỗi sợ chưa bao giờ được nói ra: nỗi sợ không có gì đặc biệt.

Không ai muốn là một người bình thường. Ai cũng muốn cảm thấy mình khác biệt, độc đáo, có giá trị. Nhưng vấn đề là gì? Đa số mọi người nhầm lẫn giữa “đặc biệt” và “được công nhận.” Họ nghĩ rằng khác biệt đồng nghĩa với nổi bật, rằng để có giá trị thì phải khiến người khác ngưỡng mộ. Nhưng giá trị thực sự không đến từ sự công nhận bên ngoài – nó đến từ sự rõ ràng bên trong.

Hầu hết các influencer, KOL hay những người tự nhận là chuyên gia không có sự rõ ràng đó. Những gì họ có là một công thức – một công thức hiệu quả trên thị trường của sự chú ý. Một số người đủ tỉnh táo để nhận ra điều này, nhưng nhiều người thì không. Họ dần tin vào chính thứ họ tạo ra, nhầm lẫn giữa hình tượng họ dựng lên và con người thật của mình.

Và khi điều đó xảy ra, họ mắc kẹt. Vì ngay khi họ bước ra khỏi hình ảnh đã xây dựng, họ có nguy cơ đánh mất thứ quan trọng nhất với họ – sự công nhận. Vậy là họ lại tiếp tục đẩy mạnh câu chuyện. Họ nhân đôi những lời chia sẻ xây dựng hình ảnh, những triết lý, những “nguyên tắc” của mình. Họ phải tin vào những điều đó, bởi nếu không, toàn bộ con người họ sẽ sụp đổ.

Người trẻ ngưỡng mộ những hình mẫu này vì nghĩ rằng họ đã “ngộ ra” chân lý. Họ trông có vẻ như là một hình mẫu lý tưởng và bất khả chiến bại. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu thực tế là họ cũng đang lạc lối – thậm chí còn hơn những người đang theo dõi họ?

Điều gì xảy ra khi một người xây dựng thương hiệu cá nhân dựa trên việc tỏ ra “cao giá,” nhưng bên trong lại luôn tự ti về giá trị bản thân? Khi một người giảng dạy về thành công nhưng thực chất đang vật lộn với chính cuộc đời mình? Khi một người rao giảng về kiểm soát cảm xúc nhưng lại sợ hãi chính cảm xúc của họ?

Sự thật là, nhiều người trong số họ chỉ đang diễn. Và khi diễn quá lâu, họ không còn nhận ra đâu là thật, đâu là giả.

-Influencer dạy bạn cách quản lý tài chính? Có thể đang ngập trong nợ nần.

-Chuyên gia tình yêu? Có thể chưa từng có một mối quan hệ sâu sắc.

-Nhà tư vấn tư duy? Có thể mỗi đêm trằn trọc với sự bất an của mình.

Và điều đáng sợ nhất? Chính họ cũng có thể không nhận ra điều đó.

Câu trả lời không phải là ngừng nghe người khác. Mà là nghe một cách tỉnh táo.

– Khi ai đó nói về sự tự tin, hãy tự hỏi – họ thực sự tự tin hay chỉ đang cố chứng minh điều đó?

– Khi ai đó dạy bạn về tình yêu, hãy tự hỏi – họ có thực sự có kiểu tình yêu mà họ nói đến không?

– Khi ai đó tuyên bố đã tìm ra công thức cuộc đời, hãy tự hỏi – tại sao họ lại cần người khác tin vào điều đó?

Chỉ cần bạn đặt câu hỏi, bức màn sẽ được kéo xuống. Và khi đó, bạn sẽ nhận ra rằng hầu hết những con người này không hề mạnh mẽ hay thông thái như họ muốn bạn tin. Họ chỉ là những người đang cố gắng tìm kiếm ý nghĩa, giống như tất cả chúng ta.

Nhưng đây là điều bạn cần biết: Bạn không cần phải chơi trò chơi của họ. Bạn không cần phải tạo dựng một phiên bản hoàn hảo của bản thân, không cần tối ưu hóa cuộc sống để trở nên “đáng ngưỡng mộ.” Bạn không cần phải có tất cả câu trả lời, và chắc chắn không cần giả vờ như mình có.

Bởi vì trò chơi thực sự – thứ mà không ai nhắc đến – không phải là tỏ ra quyền lực hay hoàn hảo. Mà là sống thật. Và trong một thế giới đầy những ảo tưởng được tô vẽ cẩn thận, không có gì mạnh mẽ hơn sự chân thật.

Nên lần tới, khi ai đó cố bán cho bạn triết lý sống của họ, hãy nhớ: những giọng nói ồn ào nhất thường là những người bất an nhất. Những người cần bạn tin vào họ thường chính là những người đang hoang mang về chính mình.

Và tự hỏi: nếu ngày mai tất cả những KOL, chuyên gia, influencer bạn theo dõi đột nhiên biến mất, bạn còn lại gì? Nếu câu trả lời là “tôi không chắc”, thì có lẽ bạn đã đặt niềm tin sai chỗ. Think about it.

Tác giả: Harvey Tran
Nguồn: Facebook

Bình luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *